Elon Musk: ‘Thế giới vẫn cần dầu mỏ và khí đốt’

Tại hội nghị hôm nay ở Na Uy, Elon Musk cho rằng thế giới phải tiếp tục khai thác dầu và khí đốt để duy trì nền văn minh.

“Trên thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta cần sử dụng dầu và khí đốt trong ngắn hạn. Vì nếu không, nền văn minh sẽ sụp đổ”, CEO Tesla Elon Musk nhận định khi tham dự Hội nghị Offshore Northern Shore (ONS) 2022 ở Stavanger, Na Uy hôm nay. Ông cho rằng việc này nên thực hiện song song với phát triển năng lượng bền vững.

Khi được hỏi liệu Na Uy có nên tiếp tục khai thác dầu khí hay không, Musk cho rằng một số hoạt động thăm dò bổ sung là cần thiết vào thời điểm này. “Một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt là quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và sang một nền kinh tế bền vững. Sẽ mất vài thập kỷ để quá trình này hoàn thành”, tỷ phú dự báo.

Elon Musk: 'Thế giới vẫn cần dầu mỏ và khí đốt'
Elon Musk tại một sự kiện ở Texas, Mỹ ngày 25/8. Ảnh: Reuters

Đây không phải là lần đầu tiên Elon Musk xuất hiện tại Offshore Northern Shore. Ông đã tham dự ONS 2014 và tuyên bố “thế giới có thể được cung cấp năng lượng thêm nhiều lần nếu bạn có đủ dung lượng pin để ghép nối với nó”.

Theo ban tổ chức ONS 2022, những dự đoán này đã được chứng minh là đúng. Tesla cũng đóng góp phần lớn vào việc này, không chỉ bằng ôtô điện, mà còn với các dự án lưu trữ pin như trang trại Moss Landing Megapack ở California và Hornsdale Power Reserve ở Nam Australia.

Ông chủ Tesla cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc để ngành công nghiệp dầu khí làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hóa thạch trên trái đất tại ONS 2014. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Ukraine, Musk từng viết trên Twitter rằng nên tăng sản lượng dầu và khí đốt. Theo ông, đây có thể là một cách giúp duy trì các ngành công nghiệp, bất chấp vấn đề phát sinh với nguồn cung của Nga.

Cuối tuần trước, Elon Musk cũng nhận định việc ủng hộ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là “điên rồ” đối với an ninh quốc gia. “Các quốc gia nên tăng cường sản xuất điện hạt nhân. Từ góc độ an ninh quốc gia, việc đóng cửa chúng là điều điên rồ và có hại cho môi trường”, Musk tuyên bố.

Lo ngại về năng lượng hạt nhân đã dâng cao sau các thảm họa nghiêm trọng như Chernobyl và Fukushima. Tính đến 2021, Mỹ đã đóng cửa vĩnh viễn 12 lò phản ứng hạt nhân kể từ năm 2012.

Để lại một bình luận